Các loại hoa cây cảnh đều có các đặc điểm chung mà người trồng cần lưu tâm, và đây cũng chính là những cơ sở khoa học cần thiết để để tiến hành các kỹ thuật trong khi trồng cũng như chăm sóc hoa cây cảnh.

Hoa cây cảnh có 5 đặc tính cơ bản sau:
1. Hoa cây cảnh cũng như thực vật xanh đều có kích thước hình dáng và cấu tạo nhất định, nó đặc trưng cho mỗi loại, họ hay giống của mình. Mỗi bộ phận khác nhau thực hiện các chức năng đặc biệt riêng, giữa các bộ phận của cây này có những mối tương quan nhất định và sự tương quan này tạo nên sự cân đối, hài hòa giữa các phần của cây cũng như toàn bộ cây. Sự vi phạm vào các mối tương quan này (thường là thông qua con người bằng các biện pháp kỹ thuật hoặc sự thay đổi điều kiện sống, ánh sáng, độ ẩm...) sẽ dẫn đến sự thay đổi tỷ lệ giữa các phần, điều đó sẽ tạo ra sự cân đối mới làm thay đổi kiểu dáng của hoa cây cảnh.

2. Hoa cây cảnh cũng là sinh vật sống nên chúng có quá trình trao đổi chất với môi trường xung quanh. Cây không thể thiếu hai quá trình đồng hóa ( là quá trình tích lũy năng lượng, cấu tạo sinh chất mới và sinh trưởng), và quá trình dị hóa ( là quá trình tự phân giải các chất, giải phóng năng lượng và tiêu dần dinh chất). Cường độ trao đổi chất thay đổi phụ thuộc vào loại hình, giống loại cũng như tuổi cây, điều kiện môi trường như nước, ánh sáng, dinh dưỡng đất.. mà ở đó cây sống.

3. Tất cả các thực vật cũng như hoa cây cảnh đều có tính cảm ứng và phản ứng với mọi kích thích và các biến đổi trong môi trường mà chúng sống. Những kích thích và những biến đổi này có thể là các biến đổi về điều kiện chiếu sáng, bón phân do con người, sự biến đổi của thời tiết hay khí hậu gây ra. Những sự biến đổi về kích thước, hình dáng màu sắc cũng như tính hướng quan, hướng địa và hướng hóa... của các cơ quan của cây đều là do tính cảm ứng của thực vật đối với các nhân tố kích thích gây ra.
4. Đặc tính tiếp theo của cây xanh, hoa cây cảnh là chúng luôn sinh trưởng, đó là kết quả của quá trình đồng hóa trong sự trao đổi chất với môi trường ngoài của hoa cây cảnh, cây xanh. Sinh trưởng lớn lên của các phần hay các cơ quan của cây khá là đồng đều cân đối, tuy vậy cũng có một số bộ phận sinh trưởng nhanh hoăc chậm hơn, điều đó cũng làm cho kích thước cơ thể của cây cảnh thay đổi. Thường thì thời gian sinh trưởng của cây xanh, hoa cây cảnh khá dài, có nhứng loại kéo dài cả trăm năm. Tuy nhiên trong suốt quá trình sống, có những khoảng thời gian chúng sinh trưởng mạnh nhưng cũng có những khoảng thời gian sinh trưởng yếu và gần như ngủ nghỉ (như một số loài hoa cây cảnh có nguồn gốc ôn đới).

5. Cây xanh, hoa cây cảnh không chỉ có khả năng sinh sản hữu tính mà chúng còn có thể sinh sản một cách vô tính. Nhờ có những khả năng sinh sản này mà trong quá trình trồng, nhân giống hoa cây cảnh, chúng ta có thể sử dụng nhiều phương pháp nhân giống khác nhau để tạo ra cây con theo đúng yêu cầu của người trồng và chơi hoa cây cảnh.
Có thể nói các biện pháp cũng như các thủ pháp kỹ thuật nhằm tạo ra sự tươi tốt, khỏe mạnh của hoa cây cảnh, nhất là đối với với việc trồng cây dáng cây thế, đều dựa vào đặc tính cơ bản trên, do đó nó là cơ sở của kỹ thuật trồng trọt, cắt tỉa, bón phân, nhân giống và tạo hình tạo dáng trong nghề trồng hoa cây cảnh.